Nhắc tới Vespa, người ta thường nghĩ tới những chiếc xe giàu văn hóa của đất nước Italia xa xôi, mà hình ảnh và âm thanh đã quá quen thuộc với người dùng trên khắp thế giới. Ra mắt lần đầu vào năm 1946, chiếc xe hai bánh cỡ nhỏ đã định hình văn hóa xe tay ga (scooter) trên toàn cầu và là một trong những biểu tượng thời trang hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều thứ không phải ai cũng biết về những “chú ong bầu” này.
1. Những chiếc xe sinh ra từ chiến tranh
Piaggio, công ty sở hữu Vespa, đã hiện diện từ thế kỷ XIX, nhưng hoạt động trong lĩnh vực đóng tàu, rồi mở rộng sang đường sắt và chế tạo máy bay trong thế kỷ XX. Chính vì điều này, trong suốt Thế chiến thứ II, hầu hết các nhà máy của Piaggio đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng. Khi cuộc chiến kết thúc, tuy được lực lượng đồng minh hỗ trợ xây dựng lại nhiều cơ sở hạ tầng, nhưng Piaggio bị cấm không được tiếp tục chế tạo máy bay…
Giữa lúc kinh tế kiệt quệ, còn đường xá của Italia nói riêng và châu Âu nói chung đều bị tàn phá nặng nề, nhu cầu của người dân lục địa già về một phương tiện di chuyển giá rẻ, linh hoạt, đã nảy sinh và ngày càng cấp thiết. Điều này đã khiến Enrico Piaggio, con trai của nhà sáng lập Rinaldo Piaggio, quyết định từ bỏ hoàn toàn lĩnh vực sản xuất máy bay, chuyển hướng sang sản xuất xe hai bánh như một điều tất yếu.
2. Thiết kế dựa dựa trên một chiếc mô tô hai bánh của quân đội Mỹ
Cushman Model 53, hay còn biết đến với tên gọi Airborne, là mẫu mô tô với bánh cỡ nhỏ, bền bỉ và trọng lượng nhẹ, được thiết kế để thả dù xuống các khu vực có chiến sự trong Thế chiến thứ II. Rất nhiều trong số này đã được thả xuống Italia, đặc biệt là khu vực quanh Milan và Turin để phục vụ hoạt động của các lực lượng kháng chiến tại quốc gia này. Chính vì vậy, chúng trở nên đặc biệt phổ biến tại đất nước hình chiếc ủng và trở thành cảm hứng thiết kế ban đầu cho những chiếc Vespa.
Một chiếc Cushman Model 53 đời 1944.
3. “Cha đẻ” ghét cay ghét đắng xe máy hai bánh
Để có được sản phẩm hoàn thiện đầu tiên, Enrico Piaggio viện tới sự trợ giúp của kĩ sư nổi tiếng Corradino D’Ascanio. Tuy nhiên, nhà thiết kế tài hoa này lại được biến đến như một người theo đuổi chủ nghĩa tự do, phóng khoáng. Ông đặc biệt tài năng khi tự thiết kế tàu lượn riêng vào năm 15 tuổi, và sau đó đã thiết kế ra chiếc trực thăng đầu tiên của Italia. Tuy nhiên, ông D’Ascanio chưa bao giờ thích những chiếc mô tô truyền thống và thường phàn nàn chúng rất nặng nề, bẩn thỉu.
Với quan điểm như vậy, khi bắt tay vào nhiệm vụ mới, ông D’Ascanio đã quyết tâm thay đổi hình ảnh của những chiếc xe hai bánh, thông qua việc đưa hệ thống chuyển số lên ghi đông, bố trí các tấm che bánh và sàn phẳng để phụ nữ mặc váy cũng có thể vận hành xe dễ dàng. Ông cũng giấu kín động cơ xe để đảm bảo quần áo người lái luôn sạch sẽ. Đây cũng là những đặc điểm đã “di truyền” suốt 7 thập kỷ qua trên những chiếc Vespa và được hầu hết các nhà sản xuất scooter khác tận dụng trên sản phẩm của mình.
Ông Corradino D’Ascanio (bên phải) thảo luận về thiết kế với một đồng nghiệp.
4. “Suýt” là một chiếc MV Agusta
Bản thân cái tên Vespa cũng là cả một câu chuyện dài. Sau khi mẫu thử nghiệm MP5 “Paperino” do hai kỹ sư Renzo Spolti và Vittorio Casini không được duyệt, Piaggio đã chuyển dự án phát triển cho Corradino D’Ascanio, với sản phẩm đầu tay là chiếc MP6. Khi lần đầu nhìn thấy mẫu xe này, ông Enrico Piaggio đã thốt lên: “Sembra una vespa!” (Nó nhìn như một con tò vò vậy!). Và kể từ đó, cái tên Vespa đã chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới.
Mẫu thử nghiệm Piaggio MP5 “Paperino” (có nghĩa là vịt Donald trong tiếng Italia) đời 1943.
Tuy nhiên, điều thú vị là chỉ một chút nữa, Vespa cũng không phải là những chiếc xe tay ga như ngày nay người ta thường biết đển, mà rất có thể là một chiếc cafe racer hoặc xe thể thao. Bởi lẽ, MV Agusta vào thời điểm bấy giờ cũng sản xuất những chiếc xe máy đầu tiên của mình, và có ý định đặt tên là Vespa. Tuy nhiên, Piaggio đã nhanh tay đăng ký sở hữu cái tên này trước.
Mẫu thử nghiệm MP6 (năm 1945) của Corradino D’Ascanio, tiền thân của những chiếc Vespa hiện đại.
5. Hollywood đóng góp lớn vào sự thành công của Vespa
Mặc dù bản thân những chiếc xe đã khá ấn tượng, sự thành công của Vespa lại có đóng góp lớn của những bộ phim bom tấn Hollywood trong nhiều thập kỷ sau đó. Hình ảnh những ngôi sao màn bạc lớn của Mỹ như Anita Ekberg hay Audrey Hepburn lướt đi trên những con phố lãng mạn của Italia trên Vespa, bên cạnh những tài tử điển trai như Charlton Heston và Stephen Boyd đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng cả một thế hệ khán giả, thậm chí hình thành những trào lưu mới.
Mẫu thử nghiệm MP6 (năm 1945) của Corradino D’Ascanio, tiền thân của những chiếc Vespa hiện đại.