Những chiếc xe Piaggio hay Vespa từ trước đến nay luôn nổi bật với tính năng bảo mật an toàn cao nhờ hệ thống chìa khóa từ hiện đại. Tuy nhiên cái gì hiện đại cũng thường đi kèm với những vấn đề “hại điện”. Chính vì thế mình viết bài này để chia sẻ anh em những kiến thức cần biết khi sử dụng chìa khóa từ để tránh những vấn đề rắc rối không đáng có với nó.

Thứ nhất công nghệ chìa khóa từ đã xuất hiện rộng rãi trên xe hơi từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước với tên gọi là Immobilser. Hệ thống chìa khóa này đạt độ bảo mật an toàn cao là vì bên trong chìa khóa luôn chứa một đoạn mã code và chỉ khi tra đúng chìa có đoạn mã code này vào ổ khóa xe thì động cơ mới có thể khởi động được.

Để cho dễ hiểu hơn thì nguyên lý hoạt động của hệ thống khóa từ khóa giống với công nghệ NFC (near field communication) có mặt trên rất nhiều thiết bị di động ngày nay. Chìa khóa đóng vai trò như 1 cái tag tích hợp 1 vi mạch chứa đoạn mã code bên trong. Chìa khóa sẽ không sử dụng năng lượng từ pin mà khi đưa chìa khóa và ổ khóa thì ổ khóa sẽ đóng vai trò tiếp năng lượng cho đoạn vi mạch trong chìa khóa hoạt động thông qua từ trường. Ổ khóa cũng đồng thời là thiết bị đọc mã code (reader) từ chìa khóa gửi về. Phương thức này gọi là RFID (Radio Frequency Identification).

Điều này cũng tương tự như chúng ta đưa 1 chiếc thiết bị di động có chức năng NFC đến gần 1 cái tag NFC thì điện thoại sẽ truyền năng lượng cho cái tag NFC hoạt động và gửi ngược thông tin lại về thiết bị. Và khi chìa khóa nhận được năng lượng nó cũng truyền 1 đoạn mã thông tin đến ổ khóa. Nếu khớp mã thì bộ điều khiển ECU trong xe mới cho phép động cơ khởi động, còn không đúng thì chúng ta sẽ không tài nào vận hành được chiếc xe. Nếu có đánh chìa khác đúng răng nhưng không có mạch xử lý thì chỉ có thể mở khóa cổ, mở cốp xe nhưng cũng không thể nào đề máy nổ được.

Những ưu điểm về tính bảo mật và độ an toàn của hệ thống khóa từ là không có gì bàn cãi, nhưng nó cũng sẽ gây ra rắc rối cho chúng ta trong trường hợp mất chìa khóa chính (master key) hay bị trộm cạy hư ổ khóa. Trong 2 trường hợp đó chúng ta bắt buộc phải thay cả hệ thống khóa mới bao gồm chìa, ổ khóa và IC. Chi phí thay cả bộ chính hãng sẽ rất đắt, mình có hỏi tại một đại lý của Piaggio và Vespa trong thành phố Hồ Chí Minh thì được báo giá là 5,3 triệu cho chiếc Vespa Primavera mới, còn chiếc Sprint với hệ thống phun nhiên liệu dạng cổng P.F.I mới sẽ có giá cao hơn 1 chút.

Khi mua xe mới thì chúng ta sẽ được hãng giao cho 2 chìa khóa, bao gồm 1 chìa chính (master key) màu nâu đỏ và 1 chìa phụ màu xanh. Để đề phòng trường hợp mất chìa khóa chính có mã gốc thì bình thường chúng ta nên sử dụng chìa khóa phụ. Còn chìa khóa chính nên cất đi để khi nào mất chìa khóa phụ thì chúng ta vẫn có thể mang chìa khóa chính ra hãng làm chìa khóa phụ mới với chi phí khoảng 500 ngàn đồng/1 chìa. Lưu ý, nếu làm mất chìa khóa chính thì chúng ta sẽ không thể làm lại chìa khóa chính từ chìa phụ.

Thêm 1 vấn đề chúng ta cần quan tâm nữa là chúng ta không nên mang ra các tiệm sửa xe bên ngoài thay IC, ổ khóa thường với chi phí rẻ hơn nhiều khi bị mất chìa chính hay bị trộm phá ổ khóa. Vì lúc này chiếc xe của chúng ta sẽ rất dễ bị lấy trộm do hệ thống khóa từ đã không còn hiệu lực.